Công nghiệp phụ trợ Việt vẫn như bộ phim dài tập

 

Công nghiệp phụ trợ tạo giá trị gia tăng cho ngành sản xuất công nghiệp, góp phần phát triển năng lực sản xuất, giải quyết việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, hiện nay 70-80% sản phẩm phụ trợ của các doanh nghiệp sản xuất lắp ráp vẫn phải nhập khẩu. Trong buổi hội thảo quốc tế Phát triển công nghiệp hỗ trợ kinh nghiệm của Nhật Bản và một số nước châu Á diễn ra chiều 30/10, nhiều chuyên gia nhận định, ngành công nghiệp phụ trợ Việt Nam đang bị rỗng hóa, vừa thiếu vừa yếu về nhiều mặt.

Ảnh: Hoàng Hà
Công nhân Việt bị chê chưa chủ động. Ảnh minh họa: Hoàng Hà.

Câu chuyện về ngành công nghiệp phụ trợ trong nước đã được đưa ra bàn bạc, tìm cách tháo gỡ trong hơn chục năm nhưng đến nay vẫn chỉ là bộ phim dài tập chưa đến hồi kết. Đại sứ Nhật Bản Mitsuo Sakaba bắt đầu quan tâm đến công nghiệp phụ trợ khi nhậm chức vào đầu năm 2008. Ông Sakaba đã “sốc mạnh” khi biết thực trạng ngành công nghiệp phụ trợ nội địa đã cản trở doanh nghiệp Nhật đầu tư vào đất nước ông sắp làm đại sứ. "Tôi đã sốc khi phát hiện tỷ lệ cung ứng hàng hóa tại Việt Nam cho các doanh nghiệp Nhật trong quy trình chế tạo còn rất thấp, phần lớn các linh kiện đều phải nhập ngoại. Vấn đề phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam có quá nhiều việc phải làm”, ông Sakaba chia sẻ.

Tiến sĩ Nguyễn Đắc Hưng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho rằng, các mặt hàng công nghiệp phụ trợ do doanh nghiệp nội địa sản xuất có giá trị thấp, sản phẩm chủ yếu là bao bì đóng gói, phụ tùng và linh kiện đơn giản. Ông Hưng đưa ra minh họa, một doanh nghiệp Nhật sản xuất rượu tại Việt Nam đã dở khóc dở cười bởi trong số các sản phẩm do doanh nghiệp Việt sản xuất, phía công ty chỉ dùng được thùng carton. Tất cả các sản phẩm khác, thậm chí đến vỏ chai rượu cũng phải nhập do sản phẩm nội địa không đáp ứng được yêu cầu chất lượng lẫn độ phối màu cần thiết.

Việt Nam được biết đến với lợi thế so sánh là nguồn nhân lực có chi phí thấp. Tuy nhiên, vấn đề nổi cộm là khi nào Việt Nam có được nguồn nhân lực chất lượng? Công nghiệp hóa Việt Nam còn thiếu và yếu ở nguồn nhân lực, trình độ tay nghề cũng như chuyên môn. Ông Hưng đưa ra ví dụ, trước đó, Tập đoàn Intel của Mỹ đầu tư cơ sở sản xuất nên cần nguồn nhân lực rất lớn. Đến thị trường Việt Nam, tập đoàn này đã phải ngã ngửa vì thất vọng khi hàng nghìn người thi tuyển, chỉ lấy được vài chục người. Đây là một điều chưa từng xảy ra đối với tập đoàn Intel ở các nước Đông Nam Á.

Phía doanh nghiệp Nhật cho rằng, các công ty Việt vẫn còn thụ động trong quá trình làm việc. Ông Sachio Kageyama, Giám đốc Canon Việt Nam bộc bạch, hãng Canon thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ năm 2001 với 7 công ty Việt đối tác. Đến nay, hãng đã có mối quan hệ làm ăn với khoảng 100 doanh nghiệp Việt Nam. Tuy nhiên tất cả các mối làm ăn đều do phía công ty Canon phải chủ động đi lùng từ... danh bạ điện thoại. "Canon Việt Nam đã phải lật tìm từng địa chỉ trong danh bạ điện thoại để đặt quan hệ với các doanh nghiệp nội địa. Từ năm 2001 đến nay, chưa có một nhà cung cấp Việt nào chủ động đến đặt quan hệ làm ăn với chúng tôi", ông Sachio Kageyama nói.

Ông Trần Quang Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Điện tử Việt Nam, cho rằng, doanh nghiệp điện tử trong nước chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và rất khó tiếp cận được với công ty ngoại. Khi đã tiếp cận được, đơn đặt hàng của đối tác Nhật lại đòi hỏi quá nhiều sản phẩm không chuyên biệt khiến các doanh nghiệp Việt lúng túng. “Nếu được các doanh nghiệp Nhật Bản hỗ trợ công nghệ, đầu ra cũng như có đơn đặt hàng cụ thể, chuyên biệt thì sự hợp tác làm ăn sẽ thuận lợi hơn rất nhiều”, ông Hùng chia sẻ.

Nhiều chuyên gia nhận định, công nghiệp phụ trợ đi lên chậm chạp do nguyên nhân cơ bản thiếu vốn. Ông Hưng phân tích, để phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp cần vốn trung và dài hạn trong khi đó, ngân hàng chỉ cho doanh nghiệp vay ngắn hạn. Doanh nghiệp vừa và nhỏ không có tài sản thế chấp nên càng tiếp cận vốn vay hơn. Ngoài ra, tính từ đầu năm đến nay, tỷ giá VND/USD đã tăng 9,02 lần so với cùng kỳ năm 2008. Theo ông Hưng, tỷ giá ngoại tệ giữa VND/USD biến động mạnh gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phụ trợ bởi các doanh nghiệp này phải nhập nguyên liệu cho đầu vào sản xuất.

Thiếu vốn, yếu nhân lực, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn chỉ ở dạng sản xuất giản đơn dưới sự hướng dẫn của người nước ngoài. Ông Keinichi Ono, Viện nghiên cứu chính sách quốc gia Nhật Bản cho rằng, khi Việt Nam tham gia AFTA, WTO, FTAs, các luồng sản phẩm của các nước ASEAN tràn vào có thể phá hủy nền tảng công nghiệp của Việt Nam. "Trong khi các ngành phụ trợ còn đang yếu, doanh nghiệp Việt Nam có nguy cơ mất các cơ sở chế tạo và chỉ giữ lại các đại lý bán hàng", ông Keinichi Ono lo ngại.

Hoàng Lan

 

 

gia cong co khi | chế tạo cơ khí | cơ khí chính xác | công ty cơ khí | băng tải | giá để hàng | giá kệ | kệ đa năng | tủ dụng cụ | đồ gá | jig | bàn thao tác | cty cơ khí | xe goong | máy đóng gói | máy lật cuộn | máy cấp liệu |