Danh mục tin tức

Công nghiệp phụ trợ: Nỗi trăn trở nằm lòng của ông viện trưởng

 

"Tôi không phải thợ xây, nên tôi không sợ ngã. Tôi không phải thợ mỏ, nên tôi không sợ sập hầm lò. Nhưng tôi là thợ làm chính sách, nên tôi sợ những người cầm cân nảy mực ghẻ lạnh với nó", ông Phan Đăng Tuất tâm sự.

Công nghiệp phụ trợ loay hoay mãi chưa lớn

Trong cuộc hội thảo "Chính sách công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ - kinh nghiệm của Nhật Bản và những vấn đề của Việt Nam", do Viện Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tổ chức tại Hà Nội vào 27-28.7 vừa qua, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội Nguyễn Văn Phúc đã kể lại: "Vợ tôi, sau khi đi dự một lớp do anh Tuất (Phan Đăng Tuất - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược & Chính sách Công nghiệp, Bộ Công Thương) giảng về công nghiệp hỗ trợ, đã bảo rằng nếu các anh yêu bọn em như anh Tuất yêu công nghiệp hỗ trợ thì cuộc đời bọn em khác xa lắm rồi."

Ông Tuất kể rằng ông đã phải lòng công nghiệp hỗ trợ từ bảy năm trước, sau cái ngày ông về làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược & Chính sách Công nghiệp được hai tháng. "Tôi hiểu phải làm công nghiệp hỗ trợ, và tình yêu đó nó cứ ngấm ngầm, thôi thúc, trỗi dậy, nhưng cũng có lúc trái tim cũng tan nát bởi sự lạnh lẽo, nghiệt ngã của những người có trách nhiệm", ông Tuất trăn trở.

Lầm lẫn trong tư duy - lạnh lẽo trong tình cảm

"Tôi không phải thợ xây, nên tôi không sợ ngã. Tôi không phải thợ mỏ, nên tôi không sợ sập hầm lò. Nhưng tôi là thợ làm chính sách, nên tôi sợ những người cầm cân nảy mực ghẻ lạnh với nó", ông Tuất giải thích.

Ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược và Chính sách Công nghiệp, Bộ Công Thương.
Trong bảy năm trời ấp ủ cái "mối tình đơn phương", theo cách mô tả của chính ông, ông Tuất đã qua khảo sát Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, và Thái Lan. "Lạ thay, ở các nước đó nền công nghiệp hỗ trợ được phát động từ phía Chính phủ. Còn ở Việt Nam chúng ta, ngược lại, nó được phát động từ giới nghiên cứu và doanh nghiệp. Ở Việt Nam lại phải tâu bẩm, phải xin xỏ", ông Tuất than.

Và kết quả là tất cả những gì ông Tuất, với sự giúp đỡ của các cộng sự tại viện của ông, đã thể hiện qua ngần ấy năm là một qui hoạch tổng thể về phát triển công nghiệp hỗ trợ được ban hành năm 2007, một bản dự thảo nghị định chính về công nghiệp hỗ trợ, và một cơ sở dữ liệu ban đầu về các nhà cung cấp linh phụ kiện tại địa chỉ http://www.linhkien.vn

Bản qui hoạch tổng thể đó, theo nhận xét của bà Trương Chí Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ (SIDEC) thuộc viện của ông Tuất, là đã lỗi thời, và cần được làm mới lại cho giai đoạn 10 năm tới. Nghị định chính phủ, theo bà Bình hy vọng, có thể sẽ được thủ tướng ký ban hành trong năm nay. Còn cơ sở dữ liệu thì hoàn toàn thiếu các nhà cung cấp Nhật Bản.

"Hơn nữa, việc công bố bản kế hoạch hành động sau qui hoạch tổng thể, đã không diễn ra, bởi quá mơ hồ. Bộ Công Thương không có quyền gì cả, chỉ có vai trò kết nối thôi, mà sự kết nối giữa các bộ của Việt Nam thì rất kém", bà Bình lý giải.

Ông Tuất lý giải rằng cái nguồn gốc của sự "lạ đời" đó là do tư duy hội nhập từ hạ nguồn, tức là mang than, mang dầu thô, mang bô xít, rồi nghêu-sò-ốc-hến, nông-lâm-thủy sản đi bán. "Hội nhập phải bắt đầu từ thượng nguồn, có nghĩa là bắt đầu bằng việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu sản xuất chi tiết linh kiện. Đấy mới là hội nhập cơ bản, chứ hội nhập từ hạ nguồn là hạ sách", ông Tuất chỉ rõ.

Và để xúc tiến cái hạ sách đó, theo ông Tuất, Bộ Thương mại (nay là Công Thương) đã có Cục xúc tiến Thương mại, mà không có cục xúc tiến để xúc tiến cái thượng nguồn. Ông Tuất cho rằng đã đến lúc Bộ Công Thương cần phải có một cục xúc tiến sản xuất, chứ không thể cứ lấy chỉ số độ mở của nền kinh tế bằng giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu trên GDP để tự hào về mức độ hội nhập được.

"Chính sách có vấn đề, bởi các cán bộ tham mưu có quá nhiều mưu mẹo, nhưng lại ít kiến thức, nên không thể đưa vào trong kiến nghị với Thủ tướng được", ông Tuất chua chát nhận xét.

Ông Tuất kể ra rằng mỗi năm Cục Xúc tiến Thương mại có mấy trăm tỷ để xúc tiến việc bán hàng, mà chủ yếu bán đồ gia công, nguyên nhiên liệu thô, hay mới sơ chế, chứ không có đồng nào để tổ chức xúc tiến sản xuất linh kiện. "Viện của chúng tôi thành lập Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Công nghiệp hỗ trợ được hai năm rồi, mà chẳng xin được đồng kinh phí nào", ông Tuất tố khổ.

Mơ hồ trong phối hợp

Ông Tuất cùng các đồng sự của mình phải đôn đáo chạy khắp nơi xin tiền. Và cũng chính vì lý do đó, ông Tuất và các cộng sự của mình đã trách cứ cả những người có sứ mạng thúc đẩy sự phát triển của công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam từ phía Nhật Bản.

"Chúng ta bàn quá nhiều về công nghiệp hỗ trợ, bàn đã chín, và giờ đây quan trọng là bàn chương trình hành động mới, cụ thể hơn, với những bước đi chắc chắn hơn. Chúng tôi muốn chờ đợi từ phía Nhật Bản thông tin rõ ràng, rằng phía Nhật sẽ hỗ trợ Việt Nam cái gì đối với chương trình hành động này. Tôi đã quá yêu công nghiệp hỗ trợ rồi, nên muốn tiến tới hôn nhân với một kế hoạch rõ ràng cho tương lai", ông Tuất, người đã bỏ lỡ cơ hội dự Đại hội Đảng bộ Bộ Công Thương để tham dự tiếp ngày thứ hai của hội thảo, nói giọng khẩn thiết.

Một DN sản xuất linh kiện điện tử Việt Nam đang tìm cách tiếp xúc với đại diện Canon tại buổi triển lãm CN hỗ trợ.

Ông Tuất nói rằng chương trình hợp tác về phát triển công nghiệp hỗ trợ giữa JICA và viện của ông, được thảo ra bởi một giáo sư Nhật, nên nặng về lý thuyết. Và, cuối năm ngoái, trong lần trao đổi cuối cùng, với tư cách là trưởng nhóm điều phối, ông đã chỉ ra những bất cập về tiến độ, hành động, cũng như nội hàm, nên hai bên vẫn chưa ký được. Hay cuốn sách về 100 doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ở phía Nam, do Cơ quan Xúc tiến Thương mại Nhật Bản soạn thảo, mới chỉ là bản thống kê, chứ chưa phải cơ sở dữ liệu.

Ông Tuất kể tiếp rằng trước đó, viện của ông đã có công văn gửi JICA nhờ giúp kinh phí làm cơ sở dữ liệu, nhưng họ đã từ chối với lý do là chưa có kế hoạch hành động. Còn bà Bình cũng phàn nàn rằng Jetro cũng im lặng trước đề nghị của SIDEC, khi tiến hành khảo sát các doanh nghiệp nước ngoài trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Ông Tuất nói thêm rằng, khu công nghiệp hỗ trợ Kinh Bắc được nêu rõ trong chương trình hành động là một dự án thí điểm mà hai bên cùng quan tâm. Nhưng khi ông đặt ra những câu hỏi cụ thể rằng phía Nhật quan tâm đến cái gì, và như thế nào, thì họ đã im lặng.

"Phải chăng một ngân hàng của Nhật Bản sẽ bảo lãnh cho vay vốn đối với các doanh nghiệp đầu tư vào đó? Hay họ sẽ tuyên truyền ở Nhật Bản về khu công nghiệp này để thu hút đầu tư vào đó? Tôi không hiểu sự phối hợp ở đây của phía Nhật là gì, và như thế nào?", ông Tuất nhắc lại những câu hỏi đó trước hội thảo.

Bà Bình đã củng cố thêm cho nhận xét của thủ trưởng của mình, khi kể rằng vào thời điểm Viện Nghiên cứu Chiến lược - Chính sách công nghiệp làm lại bản qui hoạch tổng thể cho giai đoạn 2011-2020, bà đã gặp phía Nhật nhờ giúp đỡ về kỹ thuật. Bà Bình nhấn mạnh rằng trung tâm của bà chỉ cần sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, chứ không phải tài chính, cho dù Bộ Công Thương cũng không duyệt cho đồng kinh phí nào để làm qui hoạch tổng thể.

Tuy nhiên, chuyên gia này cho biết bên đó chỉ quan tâm đến kế hoạch hành động, điều mà  họ chưa thấy phía Việt Nam đưa ra được.

"Chúng tôi sợ những cuộc hội thảo như thế này sẽ lại như ném đá ao bèo. Ném xong, bèo lại phủ đầy như cũ", bà Bình tỏ vẻ lo ngại, khi nhắc lại những cuộc hội thảo do phía Nhật kết hợp với Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam tổ chức từ trước đến nay.

(HUỲNH PHAN - TRẦN ĐÔNG)

Nguon: tuanvietnam.net

 

 

gia cong co khi | chế tạo cơ khí | cơ khí chính xác | công ty cơ khí | băng tải | giá để hàng | giá kệ | kệ đa năng | tủ dụng cụ | đồ gá | jig | bàn thao tác | cty cơ khí | xe goong | máy đóng gói | máy lật cuộn | máy cấp liệu |