Công nghiệp hỗ trợ - mắt xích không thể thiếu

 

Việt Nam đang trên con đường tiến tới công nghiệp hóa, hiện đại hóa và một trong những mắt xích không thể thiếu trong hành trình này, đó là phải phát triển công nghiệp hỗ trợ. Nhưng công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có gì? Câu trả lời là chưa có gì.

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khi nói về công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã bày tỏ sự lo lắng rõ rệt, khi cho tới nay, bao bì carton, vỏ nhựa gần như là sản phẩm duy nhất mà doanh nghiệp (DN) Việt Nam có thể đóng góp cho ngành công nghiệp điện tử Việt Nam. “Chúng ta nói nhiều mà chưa làm được bao nhiêu”, ông Lộc nói.

Trong khi đó, một cuộc khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, tỷ lệ phần trăm các phụ tùng mua tại Việt Nam thấp hơn so với bất kỳ nước nào khác trong ASEAN. Kết quả là, các nhà sản xuất Nhật Bản tại Việt Nam phải nhập khẩu những phụ tùng cần thiết từ các nước khác như Nhật Bản, Thái Lan và Trung Quốc. Điều này không chỉ làm giảm khả năng cạnh tranh xuất khẩu sản phẩm cuối cùng cho các nhà sản xuất, mà còn giảm lợi nhuận thương mại của Việt Nam.

Thực tế là, Việt Nam vẫn đang là nước nhập siêu rất lớn. Các số liệu thống kê về xuất nhập khẩu cho thấy, khoảng 80% tổng giá trị kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam là dành cho việc nhập các nguyên liệu đầu vào, thiết bị, phụ tùng và máy móc phục vụ sản xuất trong nước. Dệt may, da giày là hai ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. Năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu dệt may đã đạt mốc hơn 10 tỷ USD, tuy nhiên, nếu trừ đi phần ngoại tệ mà Việt Nam phải bỏ ra để nhập khẩu nguyên phụ liệu, giá trị thực tế thu được rất ít. Đây là một minh chứng rõ ràng cho sự yếu kém của ngành công nghiệp phụ trợ trong nước.

Nhưng vấn đề không chỉ nằm ở việc Việt Nam chỉ thu được một lượng rất nhỏ giá trị gia tăng trong các sản phẩm của mình. Nguy hại hơn, thiếu công nghiệp hỗ trợ, khi mà hầu hết các nguyên phụ kiện chủ yếu đều được nhập từ bên ngoài vào để lắp ráp, ngành công nghiệp Việt Nam đang ở tình trạng “rất nguy hiểm”.

Rất thẳng thắn, ông Hayashida Takayuki, cố vấn cao cấp hình thành dự án của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), khi trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, đã khẳng định điều đó. “Nhà đầu tư nước ngoài đang tìm đến Việt Nam phần lớn là vì chi phí nhân công rẻ. Khi chi phí này tăng cao, thì rất có thể, họ sẽ chuyển sang nước khác để sản xuất, ở nơi có nguồn nguyên phụ liệu sẵn có. Thiếu công nghiệp phụ trợ, nền công nghiệp hoàn toàn không được nuôi dưỡng ở Việt Nam”, ông Takayuki nói và nhắc tới năm 2015, khi Việt Nam hoàn toàn gỡ bỏ mọi rào cản thuế quan với các nước ASEAN - một cột mốc rất nguy hiểm.

Khi ấy, theo ông Takayuki, nếu chưa phát triển được ngành công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam sẽ phải đối mặt với thách thức rất lớn. Đó là thay vì mở các cơ sở sản xuất tại Việt Nam, các nhà đầu tư có thể sẽ lựa chọn các điểm đến khác và Việt Nam sẽ chỉ là nơi tiêu thụ hàng nhập khẩu.

“Nếu không có ngành công nghiệp hỗ trợ, các nhà sản xuất tại Việt Nam sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc duy trì giá trị và chất lượng. Đây là một nhiệm vụ rất khẩn thiết đối với Việt Nam để phát triển các ngành công nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu”, Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Yasuaki Tanizaki phát biểu.

Vấn đề là, Việt Nam nên bắt đầu từ đâu? Bởi lẽ, ý thức được tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ, nhiều năm qua, Việt Nam cũng đã trăn trở tìm hướng đi cho ngành công nghiệp này. Chiến lược Phát triển công nghiệp hỗ trợ đã có. Đầu năm nay, Bộ Công thương cũng đã ban hành thông tư quy định về cơ chế ưu đãi cho các DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ. Đây có thể được coi là một sự khích lệ lớn cho sự phát triển công nghiệp hỗ trợ Việt Nam. Nhưng như thế vẫn chưa đủ.

Theo ông Lê Gia Bảo, Phó giám đốc Công ty FC Hòa Lạc, để có một ngành công nghiệp hỗ trợ phát triển, cần phải có một sự thay đổi lớn về tư duy và nhận thức của các DN trong nước. Trong đó, hai vấn đề cốt lõi là phải đảm bảo được đúng yêu cầu của phía đối tác nước ngoài và đúng thời hạn giao hàng. Cùng với đó, do thiếu vốn, thiếu công nghệ và thiếu cả nguồn nhân lực để phát triển, DN Việt cũng rất cần nhận được sự hỗ trợ từ Nhà nước, bao gồm cả sự hỗ trợ trong tạo dựng các kết nối với DN công nghệ hỗ trợ nước ngoài để học hỏi kinh nghiệm, cũng như tạo dựng cơ hội liên doanh, liên kết, đầu tư kinh doanh…

Xét trên khía cạnh này, việc bộ ba triển lãm lớn nhất và toàn diện nhất về công nghiệp chế tạo và công nghiệp hỗ trợ Việt Nam được tổ chức tại Hà Nội mới đây có thể coi là một cơ hội lớn cho sự phát triển của DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển.

Theo Thanh Hà

Báo Đầu tư

 
 

 

gia cong co khi | chế tạo cơ khí | cơ khí chính xác | công ty cơ khí | băng tải | giá để hàng | giá kệ | kệ đa năng | tủ dụng cụ | đồ gá | jig | bàn thao tác | cty cơ khí | xe goong | máy đóng gói | máy lật cuộn | máy cấp liệu |