Admin - 29/06/2016
Trong các bài viết trước của loạt bài về công nghiệp hỗ trợ ở Việt Nam, chúng tôi đã cung cấp bức tranh chung về sự thiếu hụt CN phụ trợ và sự chậm trễ của chính sách cũng như góc nhìn từ các doanh nghiệp FDI, các tập đoàn đa quốc gia muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng "chùn chân" vì thiếu CN hỗ trợ. Trong bài viết này, đại diện Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách công nghiệp, Bộ Công thương sẽ trao đổi về vấn đề này.
Quyết định về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ số 12/2011/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 22 tháng 02 năm 2011, được coi là lời tuyên bố chính thức đầu tiên của Chính phủ Việt Nam sự ủng hộ dành cho công nghiệp hỗ trợ. Tuy nhiên, quyết định này được đánh giá là chưa đủ mạnh để thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Điều mà nhiều người mong đợi là một văn bản pháp luật cao hơn, thì đến nay chưa thể có.
Ông Phan Đăng Tuất, Viện trưởng Viện chiến lược, chính sách công nghiệp (Bộ Công thương) đã trao đổi với phóng viên VietNamNet về vấn đề này.
- Nhiều ý kiến cho rằng quyết định về chính sách phát triển một số ngành công nghiệp hỗ trợ với những ưu đãi chung chung, thiếu cụ thể sẽ không tạo động lực khuyến khích các DN tham gia. Cá nhân ông đánh giá như thế nào về tính khả thi của quyết định này?
Ông Phan Đăng Tuất (Ảnh: Tuổi trẻ) |
Quyết định này là lời tuyên bố chính thức đầu tiên của Chính phủ Việt Nam về sự ủng hộ dành cho công nghiệp hỗ trợ; tạo ra sự chú ý với các DN trong và ngoài nước. Tuy nhiên vì là quyết định nên nó vẫn chịu ràng buộc của các văn bản pháp luật cao hơn hiện hành như Luật DN, các quy định của pháp luật về trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, về công nghệ cao, về các chương trình xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư... nên quyết định chưa phải là một chính sách mạnh mẽ. Các ưu đãi trong quyết định cũng không thể vượt qua được các văn bản pháp luật hiện hành.
Mặc dù vậy bằng việc thành lập Hội đồng thẩm định dự án cũng có thể áp dụng các ưu đãi đặc biệt cho các dự án quan trọng của Chính phủ như vậy sẽ có hiệu lực và đi vào cuộc sống.
Hơn nữa, quyết định ban hành đúng thời điểm đang có xu hướng chuyển dịch dòng đầu tư của các nước vào khu vực Đông Nam Á, trong đó Việt Nam được cho là thị trường đang lên bằng sự "cộng hưởng" của bối cảnh như vậy, tính khả thi của quyết định sẽ tăng lên.
Tuy nhiên cá nhân tôi vẫn mong muốn có một văn bản pháp luật cao hơn vì công nghiệp hỗ trợ cực kỳ quan trọng với quá trình công nghiệp hoá và hiện đại hoá của đất nước.
- Giữ vai trò quan trọng đối với công nghiệp hoá và hiện đại hoá đất nước như vậy thì chính sách về công nghiệp hỗ trợ đủ mạnh phải được nhận dạng như thế nào, theo ông?
Ông Phan Đăng Tuất: Phát triển công nghiệp hỗ trợ vốn rất khó khăn vì nó vừa đòi hỏi công nghệ cao, đòi hỏi lao động chất lượng cao lại vừa có rủi ro cao, bởi vậy chính sách cũng cần một lộ trình có tính khoa học cao, phù hợp với sự phát triển chung.
Kinh nghiệm của các nước khi phát triển công nghiệp hỗ trợ thời gian đầu vai trò của Chính phủ rất quan trọng, trước hết là việc hình thành các chính sách.
Chúng ta phải có các văn bản quy định về phẩm cấp kỹ thuật, đăng ký ngành nghề, thay đổi về hải quan, về chính sách thuế...
Tiếp đến là các ưu đãi về tài chính, về đất đai hạ tầng, về đầu tư, về nguồn nhân lực, rồi chính sách khuyến khích thành lập các DN sản xuất công ngiệp hỗ trợ, xây dựng các quỹ đặc thù riêng cho công nghiệp hỗ trợ, hình thành tổ chức đầu mối để thực hiện sự quản lý Nhà nước dẫn dắt liên kết các DN làm công nghiệp hỗ trợ, phân xử các tranh chấp hợp đồng cung ứng, xây dựng ban hành cơ sở dữ liệu đầy đủ về công nghiệp hỗ trợ...
Nói tóm tại chúng ta cần phải ban hành nhiều đạo luật chứ không chỉ 1 đạo luật là đủ. Kinh nghiệm từ các nước đi trước cho thấy điều này.
Nhật Bản ngay từ năm 1956 đã ban hành những đạo luật liên quan đến công nghiệp hỗ trợ như luật chống trì hoãn thanh toán của nhà cung ứng với nhà thầu phụ để giải quyết vấn đề chậm thanh toán tiền cho các DN cung cấp linh kiện. Phải có luật thì công nghiệp hỗ trợ mới phát triển được.
- Những vấn đề này đã khi nào được đề xuất lên Chính phủ chưa ?
Ông Phan Đăng Tuất: Điều này chúng tôi đã nói mãi rồi. Vấn đề là Chính phủ phải nhận thức được tầm quan trọng của công nghiệp hỗ trợ và chỉ đạo thực hiện với quyết tâm cao, nếu không sẽ bị chậm trễ.
Ngành công nghiệp Việt Nam đến nay chủ yếu vẫn chỉ là lắp ráp giản đơn, công nghiệp hỗ trợ không phát triển thì tất yếu các nhà đầu tư sẽ bỏ đi, khi đó sẽ chẳng còn gì cả.
Ôtô và điện tử là 2 ngành sản xuất quan trọng, quốc gia nào cũng mong muốn phát triển, tại Việt Nam đến nay vẫn chưa ra sao. Nếu các nhà đầu tư bỏ đi thì sẽ trống rỗng; tương tự như vậy là ngành dệt may, hiện vẫn dựa vào lợi thế nhân công giá rẻ, khi lợi thế này không còn, giá nhân công tăng các DN chuyển sang nước khác thì cũng chẳng còn gì, như vậy rất nguy hiểm.
- Nói như vậy cũng có nghĩa là phát triển công nghiệp hỗ trợ, phía trước vẫn là chặng đường rất dài?
Nhiều người vẫn thường gọi công nghiệp hỗ trợ là công nghiệp phụ trợ, nhưng đó là cách gọi chưa chính xác. Dịch sát nghĩa từ tiếng Anh "supporting industry" phải là công nghiệp hỗ trợ. Bên cạnh đó, nếu dùng từ "phụ trợ" thì dễ gây hiểu lầm đây chỉ là các sản phẩm phụ, không quan trọng. Ông Phan Đăng Tuất |
Để phát triển công nghiệp hỗ trợ, bên cạnh việc xây dựng chính sách đủ mạnh còn cần rất nhiều tiền. Công nghiệp hỗ trợ thời kỳ đầu giống như 1 đứa trẻ cần tiếng hát ru (khuyến khích phát triển) nhưng cũng cần cả sữa (sự ưu đãi). Ở các nước có công nghiệp hỗ trợ phát triển kinh nghiệm cho thấy "sữa" được đổ ra cực lớn. Chẳng hạn tại Hàn Quốc, Nhà nước còn bỏ tiền lấp biển lấy đất giao cho các DN làm công nghiệp hỗ trợ, đến khi có lãi mới thu hồi vốn.
Vấn đề vốn đầu tư Việt Nam đến nay lĩnh vực nào cũng cần và thực sự là khó khăn, điều này chắc chắn sẽ tác động tới việc thúc đẩy công nghiệp hỗ trợ phát triển. Nếu không có sự quyết tâm cao thì khó có thể thành công.