iễn đàn Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 1/8, tại TP HCM do Reed Tradex (Thái Lan) và JETRO (Nhật Bản) phối hợp tổ chức. Diễn đàn nhằm tạo môi trường học hỏi cho các nhà công nghiệp hỗ trợ Việt Nam giữ vững sức cạnh tranh và hướng tới xây dựng cộng đồng kinh tế chung ASEAN vào năm 2015.
Ông Chainarong Limpkittisin, Giám đốc điều hành, công ty Reed Tradex, nhà tổ chức triển lãm hàng đầu Đông Nam Á cho biết, dựa trên những dự đoán và triển vọng, công ty Reed Tradex đã nhận thấy tầm quan trọng trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam. Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam có cơ hội lớn để phát triển. Cụ thể, những tổ chức đầu tư nước ngoài lớn đã thành lập nhà máy sản xuất và lắp ráp tại Việt Nam, và họ rất kỳ vọng sẽ có nhà cung ứng linh phụ kiện địa phương nhằm giảm thiểu chi phí và rủi ro vận chuyển.
Nhân dịp này, phóng viên VOV online phỏng vấn ông Chainarong Limpkittisin, Giám đốc điều hành, công ty Reed Tradex.
** PV: Là một trong những nhà tổ chức các cuộc triển lãm - hội thảo về công cụ và máy móc công nghiệp tại Việt Nam trong nhiều năm qua (từ năm 2008 đến nay) và muốn gắn bó lâu dài ở đây, ông đánh giá thế nào về thị trường Việt Nam?
Ông Chainarong Limpkittisin: Theo tôi, Việt Nam là thị trường rất tiềm năng. Chính vì vậy, chúng tôi rất muốn gắn bó với thị trường này.
Việt Nam là một thị trường phát triển nhưng hiện nay, các bạn đang gặp nhiều sự cạnh tranh bởi vì ngay ở trong khối ASEAN cũng có nhiều thị trường mới nổi khác đang phát triển nhanh hơn, trong đó có Indonesia. Đây là thị trường hiện rất phát triển trong lĩnh vực thiết bị máy móc và tự động hoá. Ngoài ra, Myanmar cũng là một thị trường phát triển vì có nguồn nhân lực rất dồi dào. Vì thế, Việt Nam cần phải thích nghi với môi trường cạnh tranh mới.
Để cạnh tranh được với những thị trường khác thì ngoài việc đưa ra những ưu tiên về thuế, đất đai, các bạn còn phải điều chỉnh những vấn đề khác như: luật pháp, cơ sở hạ tầng, chất lượng công nhân lao động. Để làm được điều này sẽ cần rất nhiều thời gian nhưng các bạn phải làm điều đó ngay bây giờ. Nếu không, các bạn sẽ trở thành sự lựa chọn thứ hai của các nhà đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, chúng tôi đã mở rộng các cuộc hội thảo ở TP HCM để hỗ trợ các nhà công nghiệp Việt Nam như: hội thảo Metalex, Hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ và Manufacturing. Đây là hội thảo triển lãm về công nghiệp lớn nhất tại Việt Nam. Ở Hà Nội, chúng tôi đã tổ chức hội chợ triển lãm Expo, 2năm/lần bởi hiện tại thị trường này chưa phát triển. Chúng tôi cũng đang cố gắng nâng cao hiệu quả của các cuộc triển lãm, hội thảo này.
Sắp tới, chúng tôi sẽ có những cuộc triển lãm mới về lĩnh vực giáo dục nhưng có lẽ chúng tôi sẽ tổ chức tại Thái Lan trước. Ở triển lãm này, ngoài sự có mặt của các nước trong khối ASEAN còn có các nước có nền giáo dục phát triển khác.
Ông Chainarong Limpkittisin, Giám đốc điều hành công ty Reed Tradex. |
Ông Chainarong Limpkittisin: Khi đến với thị trường Việt Nam, chúng tôi đã gặp nhiều khó khăn, chẳng hạn như thiếu các thiết bị cần thiết phục vụ cho các cuộc triển lãm, các hợp đồng cũng đang còn ít, giá thành thuê mặt bằng triển lãm còn cao, thủ tục hành chính phức tạp, diện tích các khu triển lãm ở Việt Nam còn rất nhỏ, kể cả Trung tâm triển lãm Giảng Võ cũng vậy. Điều này tạo nên mặc cảm đối với các nhà đầu tư, nhất là các nhà đầu tư lần đầu tiên đến Việt Nam.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều thuận lợi, đó là con người ở đây hài hoà, chúng tôi luôn nhận thấy sự giúp đỡ rất tận tình đối với những khách hàng của chúng tôi, đó là các hiệp hội, các nhà đầu tư có cơ sở sản xuất ở đây. Các bạn luôn có sự cởi mở trong trao đổi công việc. Chính vì vậy, mặc dù lợi nhuận từ các cuộc triển lãm tại Việt Nam là không cao nhưng tôi luôn hy vọng và chờ đợi những kết quả tốt hơn.
** PV: Công ty của ông đã tổ chức được nhiều cuộc triển lãm tại Việt Nam và nước khác, vậy ông đánh giá vai trò của triển lãm như thế nào?
Ông Chainarong Limpkittisin: Theo tôi, triển lãm là một công cụ marketing chủ yếu đối với các doanh nghiệp. Trong tình hình khủng hoảng kinh tế như hiện nay, rất nhiều công ty muốn cắt giảm chi phí dành cho quảng cáo, tuy nhiên vẫn có nhiều công ty đến với chúng tôi vì đây là công cụ marketing rất quan trọng. Hàng tháng, chúng tôi đều gửi cho các đối tác của chúng tôi những bản báo cáo thị trường tại Việt Nam để họ có thể biết thêm về thị trường này.
Thông qua các cuộc triển lãm, các nhà đầu tư có thể đến gặp trực tiếp những khách hàng của mình để biết cụ thể hơn về nhu cầu thực sự, từ đó có những thay đổi phù hợp về sản phẩm. Ngoài ra, khi các nhà triển lãm tới đây thì sẽ có rất nhiều người nước ngoài đến Việt Nam, tiêu thụ dịch vụ, hàng hoá gấp nhiều lần so với những người đến xem, bởi vì họ phải sử dụng các dịch vụ như khách sạn, phương tiện giao thông, ăn uống,… Vì thế, họ cũng đóng góp một lượng nhất định vào ngân sách của Việt Nam, giúp cho kinh tế của Việt Nam phát triển hơn.
** PV: Theo ông, Việt Nam cần phải làm gì để thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hơn nữa?
Ông Chainarong Limpkittisin: Theo tôi, Việt Nam cần phải thực hiện một số vấn đề sau: Thứ nhất, cần phải tìm ra thế mạnh của mình so với các nước khác là gì. Sau đó, phải có chính sách để thúc đẩy và quảng bá để nó phát triển thật mạnh. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nên phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, chẳng hạn như các công ty HONDA và TOYOTA có mặt tại Việt Nam nhưng họ lại phải nhập khẩu nhiều nguyên liệu và phụ tùng từ các nước như Thái Lan hoặc Indonesia.
Trên thực tế, trong ngành lắp ráp, chi phí cho linh kiện và phụ kiện chiếm tới 70 – 90% giá thành, còn nhân công lao động chỉ chiếm dưới 10%. Nói một cách khác, chúng ta đã không tận dụng được những nguồn lợi lớn nhất, mặc dù chúng ta hoàn toàn có thể có được nó.
Thứ hai, ngoài việc đẩy mạnh các ngành công nghiệp hỗ trợ, Việt Nam cũng nên chú trọng đến vấn đề đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao, bởi vì phải có đủ khả năng, trình độ mới có thể khai thác tốt các nguồn lực khác, đặc biệt là trong điều kiện khoa học kỹ thuật phát triển mạnh như hiện nay…
Theo một khảo sát của JETRO trong tháng 10/2011 cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam chỉ đạt 28,7%, thấp hơn nhiều so với con số tại các nước khu vực ASEAN. Điều này làm giảm không chỉ sức cạnh tranh xuất khẩu sản phẩm của nhà sản xuất mà còn giảm lợi nhuận thương mại của Việt Nam. Chúng tôi tin tưởng mạnh mẽ vào sức phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và những ảnh hưởng tích cực của nó trong chiến lược phát triển bền vững.
Nhà đầu tư nước ngoài rất tin tưởng vào tiềm năng của ngành công nghiệp hỗ trợ và chính sự thành công sẽ thúc đẩy lĩnh vực công nghiệp chế tạo nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung cùng phát triển. Hiện tại, đã có nhiều công ty nước ngoài mạnh dạn đầu tư vào Việt Nam. Nguồn vốn FDI liên tục tăng các năm qua là minh chứng rõ ràng cho tương lai tươi sáng của công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ và vai trò quan trọng của nó trong sự phồn thịnh của nền kinh tế.
** PV: Xin cảm ơn ông!.
Thu Thủy/VOV online